Cách đây hơn hai mươi lăm năm, tôi vô Sài Gòn lần đầu. Chị tôi đón tôi tại ga Sài Gòn rồi hai chị em đón xe tốc hành đi Vũng Tàu. Ấn tượng đầu tiên với Hòn Ngọc Viễn Đông là hàng đoàn xe máy nối nhau chạy liên tục trên đường, nhìn chóng cả mặt. Phố xá đông đúc, ầm ĩ, chỉ thấy người với người. Tôi không dám qua đường. Bây giờ, mỗi khi nhìn thấy người nước ngoài sợ hãi đến co rúm khi băng qua đường ở Việt Nam là tôi lại liên tưởng tới bản thân tôi khi lần đầu bước chân tới Sài Gòn đông đúc. Lên xe tôi ngồi ghế ngay sát tài xế, mặt tôi tái xanh tái xám vì xe chạy hơn trăm cây số một giờ, chưa bao giờ tôi đi xe tốc độ cao như thế. Những lần về quê Thái Bình từ thành phố Hoa Phượng Đỏ của tôi cũng phải mất đến gần 3 tiếng đồng hồ cho quãng đường chỉ hơn 60 km.
Vào Sài Gòn mới biết tiếng Pháp là vô nghĩa. Tôi đã học tiếng Pháp hơn 12 năm, từ 4 năm cấp 2, 3 năm cấp 3 và học tiếp trong 6 năm đại học, nói không ngoa, tôi giỏi tiếng Pháp hơn tiếng Anh sau khi tốt nghiệp đại học. Thật đáng buồn khi giờ đây tôi đã quên sạch tiếng Pháp, chẳng còn nhớ gì. Em xin lỗi cô Yến vì chữ cô em đã trả hết cho cô rồi (Je ne peux pas plus parler française maintenant). Ngày đó tôi còn phỏng vấn xin việc vào Saigon Village bằng tiếng Pháp với một cô người Pháp rất dễ thương, giờ thì ngậm ngùi vì sẽ là mission impossible. Cũng may là tôi bắt đầu học tiếng Anh, ngay năm đầu đại học, đó là lớp tiếng Anh chuyên ngành. Rồi từ đó, tôi học thêm tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ, trước khi vô Sài Gòn thì tôi cũng đã thi xong bằng C tiếng Anh.
Hòn Ngọc Viễn Đông được tiếp thu nền văn hóa Hoa Kỳ từ trước 1975. Tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng. Đúng năm ấy Hoa Kỳ bỏ cấm vận, đầu tư nước ngoài bắt đầu đổ vào Việt Nam. Việt Nam từ bỏ nền kinh tế kế hoạch đần độn, mở cửa ra với thế giới văn minh. Không thể để tụt hậu với thời cuộc, tôi thi vào đại học ngoại ngữ, học thêm hai năm để lấy bằng cử nhân Anh Văn. Lớp học chúng tôi dành cho những người vừa học vừa làm, học 3 tối trong tuần, tôi chọn trường đó cũng vì gần nhà tôi ở, ngay đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, gần chợ Bàn Cờ. Hồi đó tôi chơi chung với một nhóm bạn tứ xứ, đủ thành phần, anh Trung chủ một khách sạn tư nhân gần bến xe miền Đông, Trúc là thư ký khách sạn Saigon Prince, Thi làm hướng dẫn viên du lịch, và Tuyết, cô gái người Sài Gòn gốc.
Lũ chúng tôi lâu lâu lại tổ chức đi chơi ăn uống, café loanh quanh Sài Gòn, có lúc ghé nhà Tuyết chơi, căn biệt thự nằm trong một hẻm nhỏ yên tĩnh ở Sài Gòn. Hồi đó tôi chạy chiếc xe Honda Win 100 mới coóng, còn Tuyết luôn chạy chiếc xe máy Honda Cub C50 cà tàng, tuổi của nó chắc gần bằng tuổi Tuyết. Chữ Cub viết tắt từ chữ Cheap Urban Bike, nghĩa là xe rẻ tiền chạy trong đô thị, do hãng Honda Nhật Bản sản xuất. Một bữa tôi không kìm được, buột miệng hỏi Tuyết: “Sao Tuyết không đổi chiếc xe mới mà đi, khỏi phải đi chiếc xe cũ này?” Tuyết chỉ nhẹ nhàng trả lời: “Xe chỉ là phương tiện đi lại thôi mà Thành, chiếc này vẫn chạy tốt, đổi làm chi.” Tôi, một thằng Bắc Kỳ mới định cư tại mảnh đất phương Nam này, sĩ diện hão, tự ái cao ngút trời. Dân Bắc, không biết có phải phần lớn không, đều coi chiếc xe là tài sản quý giá, chứ không chỉ là phương tiện đi lại mà thôi. Đi xe thì phải đi xe mới, hàng xịn. Trong túi không có một cắc cũng phải cưỡi xe hàng hiệu. Hải Phòng là thành phố mở cửa đầu tiên sau thời bao cấp. Hồi đó, dân có tiền từ Hà Nội thủ đô phải xuống Hải Phòng để chầu chực mua xe đạp Mini Nhật, giàn máy cassette nội địa Nhật, đồ điện tử Nhật Bản từ những thủy thủ đi tàu Viễn Dương buôn lậu mang về. Tôi nhớ mãi hình ảnh thầy Huy, giáo viên dạy luyện thi đại học môn Sinh cho chúng tôi, có một chiếc xe mini Nhật. Vì thầy dạy giỏi có nhiều học sinh đỗ đại học cho nên chạy sô nhiều, học sinh thường phải tới trước chờ thầy. Mỗi khi tới lớp, thầy nhẹ nhàng dắt xe đạp mini Nhật vào lớp, cởi giày ra, rồi dùng chân không giày nhẹ nhàng dựng chống xe lên. Chiếc xe đạp của thầy chắc ngày nào cũng lau nên lúc nào cũng bóng loáng, đến mức soi gương được. Đứa học sinh nào mà mon men tới gần chạm vào xe của thầy là bị thầy la mắng ngay. Chiếc xe mini Nhật này tính theo trị giá thì tới mấy chỉ vàng, tương đương với một xe máy cũ. Tôi cũng không thoát khỏi suy nghĩ của dân Bắc, coi xe máy là tài sản giá trị, nên đòi bằng được mẹ tôi phải mua cho tôi chiếc xe máy Honda Win 100 này. Khi vào Vũng Tàu, chạy chiếc xe tay côn Win 100 của anh họ, khoái quá, tôi cũng muốn có xe đó. Con chiến mã Win 100 nhập từ Indonesia về đã theo tôi trong suốt những năm đầu ở Sài Gòn cho tới khi tôi bị tai nạn mới chia tay. Thất nghiệp, túi rỗng không tiền, trưa nào tôi cũng cưỡi xe Win mới toanh này chạy vào chợ Bàn Cờ ngồi vỉa hè ăn cơm bụi. Dân Sài Gòn mà, có ai câu nệ gì, chẳng ai để ý, cũng chẳng ai xét nét, cho dù bạn có cưỡi xe Rolls-Royce ghé vỉa hè ăn cơm bụi, hay mặc quần soọc vào ăn ở khách sạn 5 sao, cũng không ai ngạc nhiên. Trái lại, Bắc Kỳ thì xe ôm cũng phải mặc áo véctông.
Câu nói của Tuyết đã mở mắt cho tôi. Tôi đã thay đổi từ đó. Người Sài Gòn vẫn giữ được nết đẹp khi xưa. Không phô trương ồn ào, không khoe khoang, khoe mẽ. Nếu bây giờ gặp lại sau hơn hai mươi lăm năm, tôi sẽ nói: “Cám ơn, Người Sài Gòn”.
Hãy đăng ký Sách Hồng để nhận sách miễn phí Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển.
Nguồn ảnh: Ảnh do Nick Dewolf chụp