Alexandre de Rhodes [1] (Ðắc Lộ) sinh ngày 15 tháng 3 năm 1591 tại Avignon, nước Pháp, trong một gia đình gốc Tây Ban Nha. Họ theo tiếng Tây Ban Nha là De Rueda, ghi sang tiếng Pháp là De Rhoda hay De Rhodes. Ông là nhà truyền giáo của Hội Thánh Chúa Giêsu (Missionnaire de la Compagnie de Jésus). Ông gia nhập dòng Tên vào năm 1612. Vào năm 1619, ông từ Lisbon sang Đông Ấn rồi ở lại Goa tới năm 1623. Năm 1624 ông tới Macao rồi định đi Nhật Bản, nhưng vì thời đó Nhật Bản đang cấm đạo nên ông tới Đàng Trong, ở lại đó trong 3 năm.

Là giáo sĩ truyền giáo, ông phải chấp nhận mọi sứ mệnh của bề trên giao phó, sẵn sàng hiến thân đi truyền giáo tại các xứ xa xôi, hiểm nguy và khổ cực. Nhà truyền giáo, hay còn gọi là thừa sai, có nhiệm vụ đi rao giảng Tin Mừng theo Kinh Thánh: “Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: ‘Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,16-20).

Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) [2]

Những giáo sĩ truyền giáo của Hội Thánh Chúa Giêsu bắt đầu thực thi nhiệm vụ truyền giáo tại Đàng Trong [3] từ năm 1615 đến năm 1746, truyền giáo tại Đàng Ngoài từ năm 1626 đến năm 1773. Alexandre de Rhodes không phải là giáo sĩ đầu tiên tại Đàng Ngoài và Đàng Trong. Có ba giáo sĩ đặt chân tới Đàng Trong vào năm 1615 là Carvalho, Buzoni và Diaz. Giáo sĩ Carvalho (Diego), người Bồ Đào Nha, năm 1615, từ Macao đến Đàng Trong, sau đó sang Cao Miên, rồi trở lại Đàng Trong vào năm 1631, cuối cùng thì sang Nhật Bản truyền đạo rồi tử vì đạo vào năm 1659. Cũng năm 1615, giáo sĩ Buzoni (Francesco), người Ý, đã đến Đàng Trong để truyền giáo, nhưng ông đã bị trục xuất khỏi Đàng Trong. Ông đi truyền giáo tại Macao và mất tại đó vào năm 1639. Người cuối cùng, giáo sĩ Frère Diaz (Antonio), người Bồ Đào Nha, cũng tới Đàng Trong vào năm 1615, rồi đi khỏi đó vào năm 1639. Sau Carvalho, Buzoni và Diaz , một số giáo sĩ đã đến trước Alexandre de Rhodes như Fernandez Andres (1616), Pina (1617), Barretto (1617), Borri (1618), Marquez (1622), Fernandez Manoel (1622), Leria (1622), Borgès (1622), Niti (1623), Fontès (1623)… Năm 1624, Alexandre de Rhodes mới chính thức đặt chân tới xứ Đàng Trong.

Còn việc truyền giáo xứ Đàng Ngoài, [4] người đầu tiên tới truyền giáo là giáo sĩ Baldinotti và Piani. Baldinotti (Guiliano), người Ý, tới Đàng Ngoài vào năm 1626, sau đó sang Macao truyền giáo và mất tại Macao năm 1631; còn Frère Piani (Guilio) là giáo sĩ người Nhật Bản, cũng tới xứ Đàng Ngoài vào năm 1626. Năm sau, vào năm 1627, Alexandre de Rhodes mới tới Đàng Ngoài để truyền giáo nhưng sau đó bị trục xuất khỏi xứ Đàng Ngoài. Ông trở lại Macao, sau đó trở lại xứ Đàng Trong vào năm 1640, rồi bị kết án tử hình vào năm 1646. Nhưng rồi, ông được giảm án xuống hình phạt trục xuất vĩnh viễn. Sau khi rời xứ Đàng Trong, ông đi qua nhiều nước như Java, Ấn Độ, Ba Tư… trước khi trở về Rôma. Cuối cùng, ông nhận sứ mệnh đi truyền giáo tại Ba Tư và mất ở đó vào năm 1660.

Sau khi Alexandre de Rhodes bị trục xuất khỏi Đàng Trong, ông đã viết cuốn sách Tường trình về phát triển Đức Tin ở xứ Đàng Trong [5], được xuất bản vào năm 1652, báo cáo với bề trên như sau: “Chắc chắn chúng ta có thể nói một cách tổng quát về tình trạng của đất nước này đến nỗi, nếu Chúa không quá thiên vị và gắn bó với chùa chiền, mặt khác còn ghẻ lạnh Đức Tin của chúng ta, thì hầu như tất cả Vương Quốc này sẽ tin vào Phúc Âm, đó là những gì tôi đã nghiệm thấy qua hai trường hợp động lòng trắc ẩn sau đây”. Quả vậy, Alexandre de Rhodes đã cho biết rõ khó khăn trong công cuộc truyền đạo lớn nhất là do Chúa, chứ không phải các tầng lớp dân bên dưới. Những nỗ lực truyền giáo của Alexandre de Rhodes đã được đền đáp khi ông rửa tội cho tổng số hơn 6700 người [6] theo đạo Công Giáo.

Alexandre de Rhodes có công rất lớn đối với Việt Nam vì là một trong những giáo sĩ đã tạo ra chữ Quốc Ngữ mà chúng ta đang sử dụng hiện nay. Nhưng một số người đã cho rằng Alexandre de Rhodes truyền bá chữ quốc ngữ vào Việt Nam là nhằm dọn đường cho thực dân Pháp xâm lược [7]. Thậm chí Lê Cung [8] còn quy chụp Alexandre de Rhodes là tội đồ của dân tộc, là gián điệp, đã vận động triều đình Pháp để xin binh lính xâm lược Việt Nam.

Lý do mà Lê Cung đưa ra là do câu này: “Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ”. Đây là câu được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp mà Alexandre de Rhodes viết trong cuốn Hành trình và truyền giáo [9] xuất bản năm 1653 (Divers voyages et missions, Cramoisy, Paris, 1653). Nguyên văn câu đó như sau: “J’ay creu que la France, estant le plus pieux Royaume du monde, me fourniroit plusieurs soldats qui aillent à la conqueste de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ”. “Binh lính” dịch từ chữ “soldat” được quy là lính xâm lược Việt Nam.

Hành trình và truyền giáo (Divers voyages et mission), xuất bản năm 1653

Dịch thuật chưa bao giờ là dễ dàng. Để dịch chính xác, người dịch phải lưu ý rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là nghĩa từ ngữ vào thời điểm đó. Thứ hai là tìm hiểu xem người viết dùng nghĩa bóng hay nghĩa đen, nghĩa nào phù hợp nhất trong số nhiều nghĩa. Hơn nữa, ngôn ngữ còn có sự phát triển, tiến hóa, và thay đổi theo thời gian. Rồi phải hiểu ngữ cảnh tại thời điểm của người viết, suy nghĩ của người viết. Và điều quan trọng phải nắm bắt được bức tranh tổng thể, không thể cắt rời vài câu, vài đoạn rồi phăngtadi theo ý chủ quan của mình.

Dương Tường đã làm dậy sóng văn đàn khi dịch “District of Columbia” thành “miền Columbia” trong cuốn tiểu thuyết Lolita [10] do Nhã Nam phát hành. Chỉ cần hỏi một em học sinh đang chuẩn bị thi TOEFL hoặc IELTS thì em đó có thể nói ngay rằng Washington D.C (D.C là chữ viết tắt của District of Columbia) chính là tên thủ đô Washington của Hoa Kỳ, chứ không cần đến dịch giả nhiều tuổi đời nhiều tuổi dịch sáng tác ra một từ ngữ mới. Thậm chí còn có dịch giả như Cao Việt Dũng còn ẩu hơn khi dịch “Cancer de l’intestin” thành “Ung thư tử cung” trong cuốn sách Hạt cơ bản [11]; như sau: “Bố em chết cách đây một tuần, nàng nói, ‘Ung thư tử cung’”. Dịch intestine (ruột) thành tử cung (utérus) thì thật là thảm họa cho bố em, không biết tử cung của bố em nằm ở nơi nao.

Từ “soldat” có nghĩa là gì? Rất nhiều cuốn từ điển [12] đã giải nghĩa chi tiết. Ngoài nghĩa là người lính trên chiến trận, “soldat” còn có nghĩa là “serviteur” – tôi tớ. Soldat de Dieu – tôi tớ của Thượng Đế; soldat de Jésus-Christ – tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô.

Soldat de Jésus-Christ, tức là tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô, hoặc dịch là người lính của Chúa Giêsu Kitô, đã được viết trong Kinh Thánh từ lâu. Tôi xin trích Kinh Tân Ước [13], Thư 2 gửi ông Timôthê: “Vậy hỡi anh, người con của tôi, anh hãy nên mạnh mẽ trong ân sủng của Đức Ki-tô Giê-su. Những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt nhiều nhân chứng, thì hãy trao lại cho những người tin cẩn, những người sẽ có khả năng dạy cho người khác. Anh hãy đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Đức Ki-tô Giê-su. Trong nghề binh, không ai vướng mắc vào những việc thuộc đời sống dân sự; có thế mới đẹp lòng người đã tuyển mộ. Người tham dự điền kinh cũng vậy, không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ. Còn người nông dân làm việc vất vả, thì phải là người đầu tiên được hưởng phần hoa lợi. Anh hãy hiểu điều tôi nói, vì Chúa sẽ ban cho anh ơn thông hiểu mọi sự”. Câu “Anh hãy đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Đức Ki-tô Giê-su” được dịch từ câu [14] “Toi donc support les travaux comme un bon soldat de Jésus-Christ (2 Timothée 2,7).

Kinh Thánh được viết bằng tiếng Do Thái (Hebrew). Từ צָבָא (Tsaba) trong tiếng Do Thái được dịch sang tiếng Pháp là soldat. Soldat ngoài nghĩa dùng trong chiến trận, còn có nghĩa là setellite (người hầu), serviteur (tôi tớ) hay ministre (thừa tác viên). Từ điển [15] lấy ví dụ bằng câu: “Timothée est appellé bon Soldat, c’est-à-dire Ministre de Jésus-Christ” tạm dịch là “Ông Timôthê được tôn vinh là người lính giỏi, tức là thừa tác viên của Đức Ki-tô Giê-su”.

Như vậy, dịch soldat là “lính xâm lược” không đúng với hoàn cảnh này. Không có việc xâm lược nào ở đây cả, chỉ có nhiệm vụ truyền giáo mà thôi. Bây giờ, ta xem xét nguyên cả đoạn văn chứa câu này xem sao. Nguyên bản [16] tiếng Pháp như sau:

“Mais ma consolation fut encore bien plus grande, quand je fus dans nostre maison, où je rencontray mes anciens amis, avec lesquels j’avois fait mon Noviciat & mes estudes à Rome. Apres avoir demeuré trente & un an sans nous voir, nous avions une satisfaction inexpliquable, j’eus le mesine sujet de contentement à Milan, à Boulongne à Laurette, où je trouvois plusieurs de mes anciens compagnons.

Ce fut en cette Sainte Chappelle où tout mon cœur se fondoit de joye, aupres de l’Autel de la Sainte Vierge, de laquelle je tenois tout le bon succez de mes voyages, apres y avoir remercié ma chere maistresse pendant quelques jours, j’allay droit à Rome, j’arivay le vingt-septiesme Juin de l même année mil six cens quarante neuf, je ne dis rien de la consolation qui remplit mon cœur quand je me vis heureusement venu en ce lieu le plus augustre de toute la terre, apres trois ans & demy de voyage parmy tant de dangers, par terre & par mer, tant de tempestes, tant de nauffrages, tant de prisons, tant de lieux deserts, tant de Barbares, tant de Payens, tant d’Heretiques, & tant de Turcs, toujours porté sous les aisles de la Providence, qui m’a deffendu, & m’a preserué avec des bontez si particulieres, que je me trouvois aussi fort, & aussi frais pour tous les travaux comme quant je partis de Rome trente-un an devant pour aller aux Indes.

Je commençay aussi-tost apres mon arrivée à faire connoistre par tout cette grande Ville, le dessein qui m’avoit mené du bout du Monde, j’ay eu le bien d’en parler souvent à Nostre Saint Pere, qui a tesmoigné un grand desir de nous assister, j’estois tous les jours à la porte de Messieurs les Cardinaux, pour leur representer ces nouvelles Chrestientez, qui leur tendoient les mains, pour leur demander le chemin de Paradis, il a fallu que j’aye demeuré trois ans partie pour leur assister à nos trois Congregations Generales, partie pour les affaires de nos Royaumes, demandant toujours des Evesques, & des Missionnaires, pour empescher tant de personnes de se damner.

Apres avoir advancé autant qu’il m’estoit possible, toutes les affaires qui m’avoient ramené du pays le plus esloigné de toute la terre, j’ay recommencé pour la troisiesme fois le même voyage, mais je n’ay eu garde d’y retourner seul maintenant que je suis vieux, & quasi sur le point d’aller au tombeau.

J’ay creu que la France, estant le plus pieux Royaume du monde, me fourniroit plusieurs soldats qui aillent à la conqueste de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, & particulierement que j’y trouverois moyen d’avoir des Evesques, qui fussent nos Peres, & nos Maistres en ces Eglises, je suis sorti de Rome à ce dessein le unziesme Septembre de l’année mil six cens cinquante deux apres avoir baisé les pieds au Pape.

Je suis venu par Marseille, & par Lyon jusques à Paris qui est à mon advis l’abregé, ou plutost l’original de tout ce que j’ay veu de beau dans tout le reste du monde.”

Tạm dịch như sau:

“Nhưng niềm vui sướng lớn nhất của tôi là gặp lại các bạn cũ học chung tại nhà tập ở Rôma. Sau ba mươi mốt năm không gặp nhau, chúng tôi vui mừng khôn xiết. Tôi cũng mãn nguyện được gặp lại các bạn cũ ở Milan, Bôlônha, Lorêtô.

Chính tại nhà nguyện này, tâm hồn tôi tan chảy trong niềm vui sướng bên bàn thờ Đức Mẹ Đồng Trinh, sau khi ở lại vài ngày để cảm tạ Đức Mẹ đã ban cho tôi thành quả tốt đẹp trong hành trình của mình, tôi tới thẳng Rôma vào ngày 27 tháng 6 năm 1649, tôi sung sướng không thốt nên lời ở nơi tôn nghiêm nhất trên trái đất này, sau hành trình ba năm rưỡi với bao hiểm nguy trên bộ và trên biển, bao phong ba bão tố, bao tai nạn đắm tàu, bao nhiêu ngục tù, bao nơi hoang vu, gặp bao nhiêu man di, ngoại giáo, dị giáo, và người Thổ, vẫn luôn có sự quan phòng của Thiên Chúa, bảo vệ tôi, che chở tôi bằng trái tim nhân hậu, cho tôi được mạnh mẽ, vui sướng trong mọi công việc như cách đây 31 năm khi tôi rời Rôma đi Ấn Độ.

Ngay sau khi tới Thánh đường, tôi đã cho mọi người biết mục đích đã dẫn dắt tôi từ nơi tận cùng thế giới, tôi đã có cơ hội thường xuyên yết kiến Đức Thánh Cha, Người tỏ ý muốn giúp đỡ chúng tôi. Hàng ngày tôi gõ cửa các Đức Hồng y để xin giúp đỡ, giới thiệu các tín đồ mới, cầu xin các Ngài ban cho con đường Địa Đàng. Tôi đã mất đến 3 năm ở đó phần vì phải tham dự 3 cuộc họp của Thánh Bộ, phần vì công việc của dòng luôn yêu cầu các giám mục và thừa sai phải ngăn mọi người khỏi sa địa ngục.

Sau khi đã làm hết sức những việc theo đuổi tôi từ đất nước xa xôi nhất trên trái đất, tôi lại bắt đầu cho chuyến hành trình thứ ba, nhưng tôi không muốn trở lại đó một mình vì nay đã già, sắp xuống mồ.

Tôi tin nước Pháp là nước mộ đạo nhất thế giới, có thể cung cấp cho tôi nhiều tôi tớ của Chúa đi chinh phục toàn cõi Đông phương, để họ chịu phép Chúa Giêsu Kitô, và nhất là tôi sẽ tìm cách để có các giám mục, là các cha, các thầy của chúng tôi trong các hội Thánh này, vì thế tôi đã rời Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi đã tới hôn chân Đức Giáo hoàng.

Tôi đã đi từ Mácxây, Lyon, tới Pari, phiên bản thu nhỏ đẹp nhất của tất cả các Thánh đường mà tôi từng thấy trên trái đất này.”

Cả đoạn văn cho thấy toát lên chủ đề truyền giáo. Alexandre de Rhodes đã kể lại công cuộc truyền giáo của mình, vui mừng vì gặp lại bạn cũ tại Rôma, đến gặp Đức Thánh Cha, rồi vận động để xin thêm nhiều giáo sĩ tới Đàng Trong, Đàng Ngoài để truyền giáo, làm gì có chuyện xin “binh lính xâm lược” đi chiếm đóng ở đây. Tôi rất đồng ý với Hồng Nhuệ trong cuốn sách mới xuất bản Hành trình và truyền giáo [17] khi cẩn thận ghi chú “Nói chiến sĩ Phúc âm tức các nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm cứ xâm lăng”. Nguyên văn câu trên được Hồng Nhuệ dịch như sau: “Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Đông phương, đưa về quy phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tới hôn chân Đức Giáo hoàng.”

Con đường mang tên Alexandre de Rhodes

Có lẽ ở trên thiên đàng Alexandre de Rhodes đang nhìn xuống và mỉm cười với những kẻ hậu sinh đã xuyên tạc lời nói của ông. Tôi chắc ông chẳng buồn quan tâm, vì công cuộc truyền giáo của ông đã hoàn thành như ông ao ước [18]: “Tôi chỉ thích đi tới những miền đất xa xôi tốt đẹp, nơi bao nhiêu linh hồn sa đọa vì thiếu người giảng, và Chúa đã thành công dẫn đưa tôi vào ý định Người đã gợi nơi tôi.”

Hãy đăng ký Sách Hồng để nhận sách miễn phí Từ điển Việt–Bồ–LaLịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài của Alexandre de Rhodes.

Tham khảo:

[1]: Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l’Indochine française, Antoine Cabaton, Sociétés d’éditions, 1935.
[2]: Ảnh Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ), Wikimedia.
[3],[4]: Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l’Indochine française, Antoine Cabaton, Sociétés d’éditions, 1935.
[5]: Relation des progrez de la foy au royaume de la cochinchine vers les derniers quartiers du levant, Alexandre de Rhodes, Sebastien et Gabriel Cramoisy, Paris, 1652.
[6]: Voyages et missions du Père Alexandre de Rhodes de la Compagnie de Jésus, en la Chine et autres royaumes de l’Orient, Alexandre de Rhodes, Julien Lanier et Cie Editeurs, Paris, 1854.
[7]: Đà Nẵng không đặt tên đường Alexandre de Rhodes, báo điện tử VTC News.
[8]: Nhận thức lịch sử cần được khẳng định về linh mục Dòng Tên Alexandre de Rhodes, tạp chí điện tử Hồn Việt.
[9]: Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres royaumes de l’Orient: avec son retour en Europe par la Perse & l’Armenie, Alexandre de Rhodes, Cramoisy, 1653.
[10]: PGS.TS Nguyễn Văn Dân: ‘Lolita’ chỉ cần hiệu đính khi tái bản, Báo điện tử Thể thao Văn hóa.
[11]: Hãi hùng sách dịch ẩu: “Bố chết vì ung thư tử cung”, Báo Người lao động điện tử.
[12]: Dictionnaire de la langue française, É. Littré, Librairie Hachette et Cie, 1874.
[13]: Kinh Thánh Tân Ước, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2010.
[14]: Le Nouveau Testament de Notre Seigneur Jésus-Christ et le livre des Psaumes, Version de F. J. Ostervald, Nouvelle édition revue, 1840.
[15]: Dictionnaire de la langue sainte, contenant toutes ses origines, ou les mots hébreux tant primitifs que dérivés, du Vieux Testament, Le Chevalier Leigh et Louis de Wolzogue, 1703.
[16]: Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres royaumes de l’Orient: avec son retour en Europe par la Perse & l’Armenie, Alexandre de Rhodes, Cramoisy, 1653.
[17],[18]: Hành trình và truyền giáo, Alexandre de Rhodes, Hồng Nhuệ dịch, NXB Hồng Đức, 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *