Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hình dáng thầy giáo tôi với cặp kính trắng thường trực, dáng gày gò, nụ cười hiền dịu nhưng nghiêm khắc với lũ sinh viên nhất quỷ nhì ma chúng tôi. Thời bao cấp sau chiến tranh, cái thời còn ngửa tay đi xin viện trợ quốc tế, thời phải xếp hàng mua gạo thực phẩm hàng tháng bằng tem phiếu, lũ sinh viên chúng tôi nghèo lắm, nghèo đồng đều, nhưng thầy tôi lúc nào cũng quần áo phẳng phiu, sơ vin cẩn thận, một giáo sư trưởng bộ môn luôn hết mình đào tạo các thế hệ học trò qua tay. Hình ảnh từng đoàn sinh viên rồng rắn theo thầy đi buồng hàng tuần đã minh chứng cho uy tín của thầy với lũ sinh viên chúng tôi.

Chính nhờ thầy mà tôi biết đến giáo trình Harrison lừng danh. Chính nhờ thầy đã truyền cảm hứng cho tôi dịch hết nguyên một chương kháng sinh trong cuốn từ điển Vidal đồ sộ. Không chỉ tôi, có lẽ rất nhiều sinh viên khác cũng được thầy truyền cảm hứng cho những bước chập chững đầu đời để đủ cam đảm bước vào một sự nghiệp khổ cực, bạc bẽo và không được coi trọng trong xã hội này.

Buổi sáng hôm ấy, khi chúng tôi đang đi thực tập thì thầy giáo vụ tập trung sinh viên lại, rồi thông báo cho chúng tôi một tin buồn, thầy tôi vừa mới qua đời tối qua, học sinh toàn trường được nghỉ để đi viếng thầy. Lũ sinh viên chúng tôi cực kỳ sửng sốt khi nghe tin này vì mọi người vẫn còn gặp thầy mới đây.

Chẳng mất nhiều thời gian tìm hiểu, ngay sáng hôm ấy, lũ sinh viên chúng tôi đã chuyền tay nhau một bản photocopy của lá thư tay gửi cho thầy, nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết đột ngột của thầy tôi. Nhiều bạn trẻ thời nay có thể không hiểu thư tay là cái gì, nhưng thời bao cấp, nó rất có sức nặng, nó là thượng phương bảo kiếm đứng trên mọi luật pháp. Cuộc đời con người bị hủy hoại đôi khi cũng chỉ vì những bức thư tay. Như cuộc đời của một anh bộ đội hơn 20 năm bị hàm oan, bị kỷ luật, bị khai trừ, mang án oan suốt đời, đến nay vẫn không được giải oan, cuối đời phải sống lay lắt nhờ con, chỉ vì một bức thư tay1 của một ông cán bộ Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy. Hay nhờ có bức thư tay2 của ông Phó chủ tịch tỉnh làm giấy đi đường nên giám đốc một công ty xăng dầu thoải mái buôn lậu đã đi qua các cửa khẩu một cách dễ dàng. Không những dùng thư tay để làm tiền, có người còn dùng nó để thỏa mãn sở thích cá nhân như một ông giám đốc sở đã dùng thư tay3 của Bí thư Tỉnh ủy để vào rừng cấm tại khu bảo tồn thiên nhiên săn bắn trái phép thú rừng.

Tôi vẫn nhớ như in nội dung bức thư tay của ông Phó chủ tịch thành phố gửi cho thầy tôi: “Thân gửi anh…. Tôi có cháu người bà con…. có thi môn tốt nghiệp của anh. Cháu cho bạn cóp pi bài và bị đình chỉ thi….. Nhờ anh xem xét giúp đỡ”.

Anh bạn đồng môn của chúng tôi, học trên một khóa, trong kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa, đã quay cóp bài, bị thầy tôi bắt gặp, sau đó bị thầy kỷ luật, đánh trượt môn này. Sinh viên chúng tôi, từ khi bắt đầu vào trường, đều biết môn này là một trong bốn môn thi tốt nghiệp ra trường, chỉ cần trượt lý thuyết hay thực tập một trong số bốn môn, là phải ở lại chờ đến năm sau, dự thi cùng với lớp đàn em khóa dưới, cho đến khi đỗ mới được cấp bằng ra trường. Đây thực sự là môn ám ảnh của sinh viên thế nên sinh viên nào cũng phải cày (theo đúng nghĩa đen) từ năm thứ 3. Không khó để gặp các đàn anh của chúng tôi, hơn mấy khóa, vẫn phải ở lại trường theo học để trả nợ mấy môn trượt tốt nghiệp.

Một nén nhang tưởng nhớ tới thầy

Tôi có lẽ cũng phần nào hiểu tâm trạng của thầy tôi khi nhận được bức thư tay này. Rõ ràng là quay cóp bài mà bức thư lại nói là cho bạn chép bài, rồi lại dùng áp lực lãnh đạo để yêu cầu thầy bỏ qua lỗi vi phạm. Vị trí trưởng bộ môn của một trường đại học quá nhỏ bé so với chức phó chủ tịch của một thành phố lớn. Nhưng kỷ luật của nhà trường phải được nghiêm túc thực hiện, nếu không thì làm sao có công bằng cho tất cả mọi người. Thấu hiểu điều đó, và cho dù có thư tay tác động, thầy tôi vẫn giữ nguyên quyết định, đánh trượt anh sinh viên này, không vớt.

Nhà thầy tôi ở trên gác hai, lối lên là cái cầu thang nhỏ. Tối hôm trước, nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, hai bạn nữ sinh viên ôm hoa đến tặng thầy. Anh bạn đồng môn đi theo sau hai nữ sinh viên. Khi cửa vừa mở, anh gạt hai nữ sinh viên xuống dưới cầu thang, nhảy vào trong nhà và sập cửa lại. Một chút nhân tính cuối cùng đó đã cứu mạng hai nữ sinh viên kia. Trong giây lát, tiếng nổ lựu đạn đã chát chúa vang lên.

Quê anh bạn đồng môn của chúng tôi, một vùng than, lựu đạn, mìn, vũ khí, chất nổ không thiếu, và cũng dễ kiếm. Vùng than nổi tiếng vì than “thổ phỉ” thường dùng mìn để khai thác lậu. Đất mỏ còn có một đặc sản khác. Đầu những năm 90, ma túy càn quét tàn phá qua vùng mỏ. Anh bạn học cùng lớp cũng quê vùng than cảm thán với tôi: “Kinh khủng lắm ông ạ, một rừng mộ trắng xóa cả đồi, cả một thế hệ chết vì ma túy, đầu bạc tiễn đầu xanh”. (Những ngôi mộ chôn trên sườn núi, làm bằng xi măng, sau đó quét vôi trắng rẻ tiền lên trên, đã tạo nên cảnh thê lương này).

Hành động bộc phát, thiếu suy nghĩ, dùng bạo lực để giải quyết, đã làm bao nhiêu khóa sinh viên sau này mất đi một người thầy giáo tận tụy với công tác trồng người, mất đi một người thầy can đảm, chính trực, và công minh.

Một nén nhang tưởng nhớ tới thầy, thầy ơi!

Tham khảo:

[1]: Bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và số phận anh bộ đội – Báo Nhân Dân.

[2]: Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp không có chủ trương buôn lậu – Báo VnExpress.

[3]: Lá thư của Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk trong vụ săn bò rừng – Báo VnExpress.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *