Trở lại Kyoto, Nhật Bản lần này tôi muốn tới một nơi ít nổi bật hơn các đền thờ, đó là ghé thăm nhà thờ. Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê tôi ghé thăm chiều nay, hay còn gọi là nhà thờ chánh tòa Kawaramachi, là nhà thờ Công Giáo La Mã lớn nhất tại Kyoto, Nhật Bản. Hầu hết dân Nhật theo Phật Giáo, do ảnh hưởng rất lớn từ Trung Hoa. Chỉ có 0,3% dân số Nhật theo Công Giáo, một con số rất ít ỏi so với các nước khác.
Công Giáo được du nhập vào Nhật Bản từ những nhà truyền giáo dòng Tên người Tây Ban Nha, nổi bật là nhà truyền giáo Phanxicô Xaviê từ năm 1549. Nhờ sự tiên phong của ông nên Công Giáo thời đó phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản, đặc biệt tại thành phố Nagasaki, cái nôi của Công Giáo tại Nhật. Vào cuối thế kỷ thứ 16, do lo sợ bị đô hộ bởi Tây Ban Nha khi thấy Công Giáo phát triển, tướng Toyotomi Hideyoshi (viên tướng này nổi tiếng khi xâm chiếm Hàn Quốc) đã ra lệnh cấm đạo Công Giáo, trục xuất các nhà truyền đạo, bắt bớ, giết chóc bằng cách cắt tai rồi bêu trên đường phố, hoặc thiêu sống hoặc chặt đầu các Kitô hữu. Nhà truyền giáo Phanxicô Xaviê bị Hideyoshi trục xuất vào năm 1587. Hơn sáu trăm ngàn người đã bị giết, nhưng những người Công Giáo vẫn giữ vững đạo bằng những buổi lễ bí mật trong nhà hoặc ngoài cánh đồng. Ngày nay, trong bảo tàng trên đảo Ikitsuki ở Nagasaki còn lưu giữ một cái gương ngụy trang. Nếu nhìn thẳng thì sẽ thấy hình Phật, nhưng nếu lấy khỏi tường và đưa ra ngoài ánh sáng, sẽ thấy hình ảnh của cây thánh giá.
Ở Việt Nam, Công Giáo cũng được du nhập từ thế kỷ thứ 16 do các nhà truyền giáo dòng Tên người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Việt Nam thời đó đang dùng chữ Hán Nôm. Chữ Hán là chữ của Trung Quốc, còn chữ Nôm là chữ của người Việt chế ra, dùng chữ Hán, rồi thêm thắt chút ít mà thành. Các nhà truyền giáo rất khó khăn trong việc tiếp cận chữ Hán Nôm tượng hình này, cho nên, nghe phát âm từ tiếng Việt, rồi ghi lại bằng mẫu tự La Tinh, để thuận lợi hơn trong công cuộc truyền giáo. Một trong những nhà truyền giáo dòng Tên, Alexandre de Rhodes, tiếng Việt gọi là Đắc Lộ, đã biên soạn ra cuốn từ điển Việt-Bồ-La (tức là từ điển ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Bồ Đào Nha, và tiếng La Tinh) xuất bản năm 1651. Từ đó, hình thành nên chữ Quốc Ngữ của Việt Nam. Nhờ công lao to lớn của Alexandre de Rhodes, Việt Nam có một chữ của riêng mình, không phụ thuộc vào chữ Tàu. Do là ký tự La Tinh, cho nên việc học ngoại ngữ có cùng nguồn gốc La Tinh, chẳng hạn tiếng Anh, tiếng Pháp, rất dễ dàng. Ngày nay, tại Sài Gòn, có con đường vinh danh ông, đường Alexandre de Rhodes, ngay tại trung tâm quận nhất, kế bên công viên xanh mát, gần nhà thờ Đức Bà Paris. Tôi thường ghé đường Alexandre de Rhodes này, vì có quán café rất ngon.
Nhà thờ dài 43 m, rộng 15 m, và cao 24 m, có mái vòm giống thiết kế các đền cổ xa xưa ở Nhật Bản, nằm khiêm tốn sau một khách sạn đang sửa chữa. Ngay lối vào là bức tượng mẹ nâng cánh thiên thần được nhà điêu khắc Kinouchi Yoshi hoàn thành vào năm 1972.
Lúc tôi đến thì chỉ có một người ngồi cầu nguyện duy nhất. Bức tường đầu nhà thờ cũng được trang trí bằng các kính màu, hai bên là tượng Đức Mẹ và chồng, ông Giuse. Các tấm kính màu đều được đặt làm tại Thụy Sĩ, mô tả hình dáng đất nước Nhật Bản, và các câu chuyện vể Chúa Giêsu.
Hãy đăng ký Sách Hồng để nhận sách miễn phí về Thánh Phanxicô Xaviê.
Nguồn:
[1] About the Kawaramachi Catholic Church
[2] Christianity
[3] Driven Underground Years Ago, Japan’s ‘Hidden Christians’ Maintain Faith